The VietCV Blog

Tất tần tật về chuyện làm thêm của sinh viên

Dạo gần đây, VietCV nhận được nhiều đề nghị của người dùng về chuyên mục xây dựng kỹ năng và nghề nghiệp cho sinh viên. Vì vậy, hôm nay tụi mình quyết định mở đầu loạt bài viết #career bằng chủ đề chuyện làm thêm. 🎉 cover

Có nên đi làm thêm không?

Tại sao lại không nhỉ?🤔

  • Vì bố mẹ đã chu cấp đủ tiền tiêu vặt mỗi tháng rồi, làm chi nữa cho mệt.
  • Vì muốn nghe theo lời bố mẹ là chuyên tâm vào việc học hành để lấy tấm bằng giỏi cho sau này ra trường dễ xin việc. Đi làm sẽ chểnh mảng việc học hay thậm chí nợ môn học lại, lại tốn tiền.
  • Vì lười. Ôi dào ở nhà ngủ, nghỉ, chơi game có phải tốt hơn không?

Những lý do trên đây chỉ là những cái cớ mà bản thân bạn tự đặt ra cho mình chỉ để ngăn bạn tiến tới hành động thực tế: “Đi làm thêm”, điều mà chắc chắn sẽ giúp rất nhiều cho cuộc sống của bạn sau này, hay đơn giản là cho CV xin việc sau khi ra trường. Các nhà tuyển dụng đều có xu hướng khá chú ý đến những chú thích về công việc làm thêm trong đơn xin việc bởi đây là cơ sở để họ đánh giá khả năng và phẩm chất của sinh viên như khả năng quản lý tài chính, chi tiêu; khả năng độc lập trong cuộc sống hằng ngày cũng như công việc và sự tháo vát nhanh nhạy.

Nếu cuộc sống hằng ngày của một sinh viên chỉ quanh quẩn từ trường đến nhà, rồi từ nhà lại lên trường hay thư viện thì quả thực vô cùng nhàm chán. Hơn nữa, lịch học của sinh viên đại học khá thoải mái so với cấp ba. Sao lại không dấn thân vào một điều gì đó mới mẻ để khiến cuộc sống thêm thú vị nhỉ? Ngoài ra, bạn sẽ biết trân quý hơn từng đồng tiền bản thân kiếm ra để biết yêu thương bố mẹ hơn. Thêm nữa, công việc làm thêm đôi lúc sẽ mang lại cho bạn những mối quan hệ, những bài học có thể thay đổi nhận thức về cuộc sống mà ắt hẳn bạn sẽ không thể tìm thấy trong sách vở hay những giờ học trên trường.

Vậy thì hãy kiếm một công việc làm thêm và thử sức đi nào bởi bạn sẽ không mãi nằm trong sự bảo bọc của bố mẹ được đâu. Đừng thấy khó mà nản mà hãy biến nó thành cơ hội cho tương lai của chính bạn, bạn nhé!💪

Lựa chọn công việc làm thêm phù hợp

À giờ bạn đã có động lực kiếm việc làm thêm rồi đúng không? Nhưng mà cứ từ từ nhé, không phải vội bởi có một vài điều bạn cần lưu ý trước khi bắt tay vào “săn” các công việc làm thêm. Để lựa chọn công việc phù hợp, bạn hãy xem xét qua những vấn đề sau nhé:

⭐️Khả năng và sở thích

Bạn biết khả năng mình tới đâu và yêu thích điều gì sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm được công việc phù hợp. Ví dụ như bạn giỏi ăn nói, biết khuấy động bầu không khí thì bạn có thể đi làm MC, dẫn chương trình, lập trang youtube cá nhân để sharing mọi chuyện trên trời dưới bể… Hoặc bạn có khiếu bán hàng thì tại sao lại không thử xin đi thực tập vào vị trí sales. Thậm chí cứ cho là bạn không biết mình thích gì đi thì đừng ngần ngại thử làm qua nhiều công việc khác nhau. Đừng sợ nhé, một chút việc cỏn con này sẽ không làm bạn gục ngã được đâu mà nó sẽ khiến bạn vững vàng hơn đấy.

⭐️Địa điểm làm việc và giờ giấc

Trước khi muốn nhận một công việc bán thời gian bạn nên xem xét, lập ra thời gian biểu chi tiết bao gồm thời gian học ở trường, tự học và các kỳ thi quan trọng để có thể đảm bảo chắc rằng việc làm thêm không ảnh hưởng tới việc học. Đừng quên tính trước khoảng di chuyển từ nhà hoặc trường đến nơi làm việc bao xa, bạn có phương tiện di chuyển phù hợp chưa, liệu có đủ thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống hay không? Làm việc hay học tập QUÁ SỨC đều sẽ mang lại nhiều điểm tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Làm gì thì làm nhưng hãy nhớ rằng bạn cần dành chút thời gian để thư giãn, đi ra ngoài và giao lưu với bạn bè và đừng quên gọi điện hỏi thăm bố mẹ ông bà nhé.

⭐️Môi trường làm việc

Nếu có thể hãy tìm hiểu thật kỹ nơi mà bạn dự định ứng tuyển vào. Nếu có cơ hội thì đừng ngần ngại hỏi thăm những người đã từng làm ở đó, hỏi xem tại sao họ lại làm việc, nghỉ việc ở đó; sếp như thế nào, có thân thiện không; đồng nghiệp ra sao, có hay bắt nạt nhân viên mới không; công ty có thường xuyên hỗ trợ lương thực chống đói không…để cân đo đong đếm xem mức độ phù hợp của công việc đó với bản thân bạn như thế nào.

CV cho part-time job, viết thế nào đây?

"Chỉ là một công việc làm thêm thôi mà, CV chả quan trọng lắm đâu." Sai lầm nhé. Một chiếc CV qua loa và thiếu chỉn chu chắc chắn sẽ để lại ấn tượng xấu cho nhà tuyển dụng bởi đâu biết được bạn lại yêu thích công việc này và muốn làm việc lâu dài thì sao.

Một CV sơ sài sẽ phần nào phản ánh về con người bạn, dựa trên cơ sở đó họ có thể đánh giá là bạn thực sự không mặn mà gì với công việc ứng tuyển, sự cam kết và trách nhiệm đối với công việc của bạn không cao. Dù yêu cầu của nhà tuyển dụng chỉ là tuyển nhân viên part-time nhưng chỉ cần bạn chỉn chu một chút thì ấn tượng về sự chuyên nghiệp của bạn ắt hẳn sẽ lưu lại trong lòng nhà tuyển dụng. Vì thế mà VietCV sẽ gợi ý cho các bạn cách viết CV dành cho công việc part-time sao cho trông “xịn” nhất nhé.

⭐️Thông tin cá nhân và mục tiêu nghề nghiệp

Bạn nên cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin cá nhân cơ bản bao gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại và email để nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn khi cần thiết. Lưu ý khi đặt tên email: nên đặt theo tên của bạn chẳng hạn để thể hiện sự tôn trọng của bạn với công việc ví dụ như maithiloan.9099@gmail.com. Còn nếu bạn đang sử dụng email có tên như là heongusi@gmail.com, nguthisao@gmail.com hay nguchusao@gmail.com thì bỏ liền nghen, rồi lập ngay tài khoản gmail mới đi nhé.

Đối với phần mục tiêu nghề nghiệp thì bạn nên trình bày ngắn gọn về những mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn của bạn, mong muốn học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, rèn luyện thông qua công việc bạn muốn xin vào làm và định hướng cho tương lai. Bạn có thể viết tầm 3-4 dòng là vừa rồi.

⭐️Học vấn

Trong mục này, bạn mà lôi cả quá trình đi học của bạn từ cấp tiểu học đến cấp phổ thông vào đây thì thực sự không cần thiết và quá chi là dài dòng bởi nhà tuyển dụng hoàn toàn không quan tâm đến việc đó đâu. Vì vậy, bạn chỉ cần nêu tên trường mình đang học và chuyên ngành học hiện tại. Bên cạnh đó, nếu điểm GPA của bạn cao, đạt bất kỳ giải thưởng học tập nào thì đừng ngần ngại điền nó vào CV. Hay việc bạn từng tham gia các khoá học và nhận được các chứng chỉ liên quan sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nhiều lắm nhé.

⭐️Kinh nghiệm làm việc/ Hoạt động

Trong trường hợp bạn đã làm nhiều công việc trước đây, hãy chọn công việc nào mà mang lại những kỹ năng, kinh nghiệm liên quan đến công việc bạn sắp ứng tuyển. Nếu không có thì bạn có thể ghi vô CV những hoạt động ngoại khoá, những chương trình bạn từng tham gia có thể với vai trò là ban tổ chức, cộng tác viên hay thành viên kèm theo vị trí công việc mà bạn đảm nhận. Đây có thể là những minh chứng cho thấy rằng bạn ngoài học tập ra cũng rất năng động và nhiệt tình.

⭐️Kỹ năng/ Sở thích

Vê kỹ năng, bạn không cần ghi dài dòng mà chỉ cần liệt kê ra thôi, ví dụ như kỹ năng về photoshop, chụp ảnh, MS Office,... Đối với mục sở thích thì cũng như vậy, bạn chỉ cần nêu tên 3-4 sở thích ra thôi là được rồi. Suy cho cùng thì, chất lượng hơn số lượng đúng không nào.

Thêm vào đó, bạn nên lưu ý sử dụng font chữ đơn giản, dễ đọc và bố cục CV sao cho phù hợp. Viết xong bạn nhớ rà soát lại xem có sai chính tả không, câu cú như thế nào nhá. Mà đây là lần đầu bạn viết CV sao, hehe sợ không? Không sao nhá, có VietCV ở đây. Bạn có thể bắt đầu bằng việc chọn mẫu CV ở đây nha https://vietcv.io/templates. Sau khi chọn được mẫu ưng ý, hãy click "Dùng CV này" để bắt đầu điền thông tin vào CV. Cách viết từng mục mình đã giới thiệu ở trên rồi, nhưng đừng lo, bạn không cần phải nhớ hết đâu, vì trong lúc chỉnh sửa CV đã có khung VietTips bên phải. Khung VietTips chính là bí kíp "thần thánh" hướng dẫn cách viết từng mục cho CV đấy.🎉🎉🎉

Một vài CV tham khảo cho sinh viên được tạo từ VietCV:

  • CV thực tập sinh marketing CV
  • CV thực tập sinh bán hàng CV
  • CV thực tập sinh kế toán CV
  • CV nhân viên phục vụ và pha chế CV

Những sai lầm bạn có thể gặp khi đi làm thêm

Bạn là sinh viên chưa một lần đi làm thêm, chân ướt chân ráo dấn thân vào con đường tìm part-time job, hẳn sẽ rất bỡ ngỡ và rồi sẽ té đau vài lần thôi. VietCV lo bạn bị khắc thêm vài vết sẹo nên nói cho bạn một vài chia sẻ để phòng ngừa hữu hiệu nha. Người ta có câu đừng chết vì thiếu hiểu biết.

Việc nhẹ lương cao - OK đừng có triển liền

Bạn đang lang thang trên FB để tìm việc, bỗng đập vô mắt bạn là một công việc có vẻ khá béo bở kiểu làm ít mà đếm tiền nhiều, làm online, làm ở nhà, không áp đặt doanh số (KPI), … Ồ hấp dẫn không? Và thế là bạn nhanh tay đăng ký liền mà chẳng buồn xác nhận, kiểm chứng. Rồi người ta yêu cầu bạn đóng một khoản tiền để tham gia một khoá học thực chất là một buổi hội nghị đa cấp. Người ta liên tục rót vào tai bạn những lời đường mật làm bạn hứng thú và lại tiếp tục bỏ tiền cho những đơn vị lừa đảo, rồi bạn có khi lại trở thành một trong số họ lúc nào không hay. Đừng tưởng bạn khôn ngoan thì không bị lừa nha, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo này ngày một tinh vi và điêu luyện hơn đó nha.

Vui thì làm, không thì thôi

Oh no, chẳng ai muốn thuê hay có một nhân viên làm việc có thái độ như thế cả. Đừng xem việc làm thêm như cuộc vui chỉ để kiếm tiền tiêu vặt bởi bạn sẽ không nhận được thêm bất cứ một điều bổ ích nào với cái thái độ không trân trọng đó. Vì vậy, hãy nghiêm túc với bất kỳ công việc nào mà bạn đang làm.

Ngại đổi việc dù công việc đó không phù hợp

Tiếp theo đây là một chuỗi của những cái ngại: ngại tìm việc mới, ngại đi phỏng vấn, ngại làm quen với môi trường mới, công việc mới… Thực tế ở đây là bạn ngại hay thậm chí là sợ thay đổi, sợ phá bỏ lớp vỏ bấy lâu bạn thêu dệt lên để làm một cái mới. Từ bỏ suy nghĩ ấy ngay đi, nếu công việc bạn không hứng thú làm thì khả năng của bạn sẽ chẳng bao giờ vượt qua được cái giới hạn mà nó vốn có cả.

Nản quá, tôi sẽ bỏ việc

Đúng là mình đã khuyên bạn nếu công việc không phù hợp thì đổi cái mới. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bảo bạn không cố gắng để thích ứng với nó. Hãy cho mình thời gian để thử thách bản thân, có thể là tầm 2 tháng. Nếu sau thời gian này, bạn vẫn không thể ngấm nổi công việc đó thì hãy tìm cái mới.

Đi làm rồi, việc học chẳng quan trọng nữa

Có vẻ bạn đang đề cao một công việc part-time đó quá rồi. Bạn nên xác định lại với bản thân rằng đây chỉ đơn thuần là một công việc làm thêm thôi và việc học vẫn thật sự khá là quan trọng. Đừng khiến bản thân rơi vào vòng xoáy kiếm tiền để học lại môn nhá. Kỹ năng cân bằng giữa việc học và đi làm, bạn nên rèn luyện thêm nhe.

Hãy lưu ý những vấn đề trên nha. VietCV mách nhỏ là bạn nên xây dựng cho bản thân phương pháp học tập hữu hiệu, học đúng và đủ vì biết đâu cuối tháng vừa có lương lại thêm học bổng, niềm vui nhân đôi đó đúng không nào. Chúc các bạn tìm được công việc phù hợp và rinh được thêm vài cái học bổng nữa nhá.

Kết

Hy vọng bài viết hữu ích với các bạn sinh viên. Bọn mình sẽ quay sớm với các chủ đề hấp dẫn khác. Tạo CV online miễn phí tại https://vietcv.io

arrow_back

Previous

Cập nhật cơ hội việc làm với VietCV Jobs

Next

Mời bạn bè cùng chỉnh sửa CV với bạn
arrow_forward